Nguồn: Canva
Resume chính là ấn tượng đầu tiên về chuyên môn và sự chuyên nghiệp của bạn trong công việc, và dù chỉ là một lỗi nhỏ cũng có thể khiến bạn bị lỡ mất cơ hội làm việc mà bạn đang mong muốn.
Dưới đây là 7 lỗi phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng trong quá trình làm Resume. Và đương nhiên, lỗi chính tả sẽ không được tính ở đây nhé!
1. Không để những thông tin quan trọng lên đầu
Hầu hết mọi người đều biết là trong phần Contact phải bao gồm tên, phone number và email để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn dễ dàng nhất. Đừng để địa chỉ nhà chi tiết của bạn vào đó bởi vì đó là thông tin hơi cá nhân, nên chỉ cần để thành phố/bang bạn đang sống là đủ rồi.
Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng bạn có thể “đi xa" hơn một chút trong phần này. Nếu bạn có những tài liệu chuyên môn liên quan, chẳng hạn như một đường link ngắn dẫn đến hồ sơ chuyên môn của bạn và thể hiện chất lượng của những dự án mà bạn từng tham dự, hãy thoải mái đặt đường link này vào phần đầu Resume.
2. Quên để Resume Summary
Hãy nhớ, phần đầu Resume của bạn là một “mảnh đất" màu mỡ. Nó là phần đầu tiên và đôi khi duy nhất mà nhà tuyển dụng sẽ đọc. Vậy nên hãy tận dụng triệt để mảnh đất này bằng cách tự hỏi bản thân rằng: “Điều tôi muốn nhà tuyển dụng biết về mình nhất là gì?”. Sau đó, hãy tạo ra một đoạn tóm tắt Resume mô tả những kỹ năng, phẩm chất và trải nghiệm quan trọng nhất giúp bạn trở thành ứng viên hoàn hảo nhất cho vị trí này, và điều đó sẽ giúp công ty này đạt được mục tiêu kinh doanh của nó như thế nào. Đoạn tóm tắt này dài khoảng 2-3 câu và đặt đoạn này ngay dưới phần thông tin liên lạc.
3. Đưa phần sở thích và tham khảo/người giới thiệu (Hobbies and References) vào Resume
Như tôi đã nói ở trên, Resume là một loại “bất động sản" đắt giá, nên bạn cần cân nhắc rất kỹ nếu muốn đưa bất kỳ thông tin nào vào đây. Phần sở thích và thông tin tham khảo là những phần không bắt buộc và không cần thiết đối với Resume của bạn. Nếu nhà tuyển dụng muốn biết về những thông tin này, hoặc họ sẽ hỏi riêng bạn hoặc hỏi khi bạn điền vào đơn xin việc (job application).
Điều tương tự cũng nên xảy ra với những phần không bắt buộc khác của Resume như Awards, Achievement, Publications… Hãy chỉ đưa những phần này vào Resume khi những phần này có liên quan đến vị trí ứng tuyển của bạn.
4. Bỏ qua hoặc đặt phần Kỹ năng (Skills) sai chỗ
Bạn chỉ nên đặt trong phần này khoảng 5 kỹ năng, bởi vì nếu nhiều hơn, nó sẽ mang lại cho nhà tuyển dụng cảm giác bị loãng và rằng có thể bạn không biết cách tập trung vào đúng kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, bởi vì từng vị trí của từng công ty lại có các yêu cầu khác nhau, nên hãy chọn lựa những kỹ năng này cẩn thận dựa trên JD của công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Nhìn chung thì phần Skills nên nằm ở phần cuối cùng của Resume, trừ khi công việc bạn đang ứng tuyển là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn khó - đó là những kỹ năng cần phải được hiểu biết trước và cần phải được đào tạo trước để có thể thực hiện được các công việc trong vị trí mà bạn đang ứng tuyển (ví dụ như các kỹ năng về lập trình máy tính, ngôn ngữ thứ hai…). Trong trường hợp này, bạn sẽ cần đưa phần Skill lên vị trí cao hơn trong resume, có thể là ngay dưới Resume Summary và ngay phía trên phần kinh nghiệm làm việc của bạn.
5. Resume có cấu trúc không đồng nhất hoặc quá rối loạn
Nhiều người luôn kiểm tra lỗi chính tả hoặc lỗi ngữ pháp trước khi nộp, nhưng một lỗi thường gặp hơn cả lỗi chính tả đó là Resume có cấu trúc không đồng nhất, ví dụ như dùng lẫn lộn gạch đầu dòng và chấm đầu dòng (bullet point), canh lề không đều, tô đậm - in nghiêng đồng bộ…
Thực ra sẽ không có một cấu trúc chuẩn chỉnh đúng đắn, điều quan trọng ở đây là bạn cần chọn một cấu trúc cố định và đồng nhất toàn bộ nội dung Resume của bạn theo cấu trúc này.
6. Mô tả kinh nghiệm làm việc mà không kèm theo tác động/hiệu quả đã tạo ra
Đa số mọi người khi mô tả kinh nghiệm làm việc đều chỉ liệt kê mô tả công việc, những công việc hàng ngày họ làm… mà không kèm theo các tác động/hiệu quả mà họ tạo ra khi làm những việc này. Trong khi thực ra bạn cần phải cho người tuyển dụng thấy được tầm quan trọng của những công việc mà bạn đã làm.
Vậy nên:
Hãy đảm bảo bắt đầu mỗi bullet điểm trong phần mô tả kinh nghiệm bằng một Động từ mạnh (Strong Action Verb), ví dụ như Drove, Acquired, Developed… bởi vì bạn cần phải thể hiện rằng mình đã mang lại tác động nào đó cho công ty chứ không chỉ làm cho xong những công việc được giao
Sau khi đã mô tả được công việc bạn đã làm và tạo ra tác động thế nào với công ty, nội dung tiếp theo bạn cần trả lời được câu hỏi “So What?”. Để làm điều này, bạn có thể thêm các con số hoặc đơn giản là giải thích giá trị kinh doanh mà kinh nghiệm này đem lại cho doanh nghiệp.
7. Sử dụng cùng một Resume khi apply các vị trí khác nhau trong các công ty khác nhau
Đây là lỗi thường gặp và cũng thường gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất. Lỗi này xảy ra bởi vì mặc dù nhiều người biết rất rõ rằng việc “điều chỉnh" Resume cho phù hợp với vị trí công việc mà họ đang ứng tuyển là việc rất cần thiết, nhưng họ không thực sự hiểu được lý do tại sao cần làm như vậy. Nguyên nhân chủ yếu sẽ liên quan đến quy trình tuyển dụng nội bộ, và một trong những nguyên nhân đó là: Nếu bạn không điều chỉnh Resume của mình cho phù hợp với công việc đang ứng tuyển, khả năng cao là CV của bạn sẽ không bao giờ xuất hiện trước mắt người tuyển dụng. Nguyên nhân là bởi vì ngày nay rất nhiều công ty sử dụng một hệ thống theo dõi việc ứng tuyển (ATS). Về căn bản thì đây là một phần mềm mà nhà tuyển dụng sẽ cung cấp những đặc điểm, kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng, sau đó hệ thống này sẽ chuyển khối lượng thông tin này thành những từ khoá. Sau đó hệ thống này sẽ quét tất cả những Resume nó nhận được và lọc ra những Resume có kết quả từ khoá gần với những thông tin nhà tuyển dụng đã nạp vào nhất. Và đây chính là “vòng loại" đầu tiên - nếu trượt vòng này, bạn sẽ không có cơ hội xuất hiện trước mặt các nhà tuyển dụng “con người" trong vòng scan CV nữa. Tin vui là hầu hết các từ khoá này đều đã có trong JD, nên việc bạn cần làm là hãy quay lại JD để điều chỉnh Resume của mình cho phù hợp.
Comments